Nhớ thầy dạy Vật lý cấp 3 thường chế diễu chúng tôi, “Đồ ma trơi quỷ đế, ở nhà thì sách để chổng chơ, để lúc tau gọi lên hỏi bài cũ thì lật đật mở sách ra, hối hả vừa đọc vừa cầu: Thời gian ơi, ngươi đẹp lắm đừng trôi”. Vậy mà cũng 15 năm rồi, thời gian nhanh hơn chó chạy, nhân dịp này khóa học cấp 3 tổ chức gặp mặt, tôi không thu xếp về được, rõ tiếc. Lâu lắm rồi không về thăm thầy, mà giờ thầy bị tai biến, mặc dù nói năng vẫn minh mẫn, vẫn kể chuyện thời trai trẻ rất rành rọt nhưng học sinh thì thầy không nhớ đứa nào, thành ra muốn gọi điện hỏi thăm thầy cũng không được.

Thằng bạn quen hồi cấp 3 nhưng không cùng trường, nó học chuyên lý tổng hợp (cách nói ngắn gọi của khối chuyên đại học KHTN-HN), nói mới dịch quyển The Order of Time, và nhờ mình đọc bản thảo, kiểm tra luôn lỗi cú pháp với xem chỗ nào còn khó hiểu cho nó.

Lại nhớ ngày xưa đọc lược sử thời gian, một quyển sách phổ biến kiến thức Vật lý hiện đại của Stephen Hawking, một quyển sách mà nhiều người cho rằng “bestseller chưa được đọc”, tức là nhiều người mua để trên giá và không có đọc. Tôi cũng đã từng cố đọc hết nó, nhưng không hiểu,cái đọng lại chỉ là những khái niệm như “chân trời sự cố” hay “sự kiện” gì đó của lỗ đen, đó là cái tới hạn mà bất kỳ thứ gì rơi vào đó là không còn đường về, bản thân lỗ đen con người cũng vậy, các vị nào tìm được lỗ đen rồi thì cũng nên tránh xa xa cái “chân trời sự cố” của lỗ đen bên ngoài kẻo hết đường về nhà, nếu Stephen Hawking đi thêm 1 bước ngoài Vật lý nữa thì có khi rút ra được định luật kinh điển bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Trong quyển đó ông dành nguyên 1 chương trong đó để bàn về “mũi tên thời gian”, giờ chỉ nhớ mỗi việc thời gian trôi từ quá khứ đến tương lai lại tương đương với entropy của hệ kín luôn không giảm. Entropy lại đại lượng, được xuất phát từ nhiệt động lực học trong việc tìm kiếm lý do không tồn tại động cơ vĩnh cửu loại II, là cái loại biến hoàn toàn nhiệt thành công kiểu như hòn đá tự lạnh lại và biến cái nhiệt đó thành năng lượng để nhảy lên bàn, còn loại I là loại động cơ vĩnh cửu, không cần củi mà lò vẫn cháy (cụ đảng tổng cũng hổng có thích động cơ loại này). Rồi entropy, nó lan sang vật lý thống kê, và mò luôn đến cả lý thuyết thông tin vì nó là đại lượng đặc trưng cho tính hỗn độn của hệ thống, càng hỗn loại thì chứa đựng trong đó nhiều thông tin.

Việc entropy luôn không giảm trong hệ kín cũng có thể hiểu một cách thô thiển là anh em nhà coder phát triển phần mềm mà không thường xuyên bảo trì, tái cấu trúc thì dần dần nó trở thành một đống rác, đâu đó gọi là software entropy. Trong quyển Trình tự thời gian (The Order of Time) trên, tác giả đã đi một bước phân tích sâu sắc hơn khi kết hợp cả vấn đề hấp dẫn lẫn vật lý lượng tử, để cố gắng phân tích sâu sắc hơn khía cạnh thời gian và cái quan hệ với Entropy, chỉ có nó mới bắt thời gian phải trôi theo chiều nào, chứ không phải bất kỳ một định luật nào khác trong Vật lý, ai muốn biết tìm đọc vì tôi quảng cáo cho nó nên không được tiết lộ nhiều.

Giống như Lược sử thời gian, thì quyển này gần như không dùng bất kỳ phương trình rối rắm nào cả, đọc 1 lúc thì cứ như đọc sách triết. Tôi thích cái kết của tác giả về “thế giới này tạo thành tự những sự kiện chứ không phải sự vật” :-). Có vẻ như là hoàng đế La mã Marcus Aurelius trong tác phẩm Suy tưởng cũng có chung quan điểm: “Thời gian là một dòng sông, một dòng chảy mãnh liệt của các sự kiện, chảy lướt và bị mang đi qua chúng ta, rồi dòng khác chảy đến và chảy đi” hay là “3 ngày trong đời hay 3 thế hệ: có gì khác nhau”.

Vậy thay vì tập trung vào sự vật để níu giữ thời gian, kiểu các chị thường phủ mặt đầy phấn để che đi vết thời gian, thì liệu rằng ta nên tập trung vào sự kiện chăng?

Có những việc bây giờ không làm , thì 5 năm nữa sẽ thấy khá tiếc, 10 năm nữa sẽ thấy rất tiếc, và 15 năm nữa sẽ thấy tiếc vô cùng tận ;-). Lâu lâu tôi mới có dịp về nhà một lần, mỗi lần về là trong xóm có vài người đi, vì bệnh tật, vì tai nạn lao động khi xa xứ làm thuê … Đúng là mỗi lần tạm biệt ai đó, cũng có thể đấy là lần cuối cùng bạn gặp người đó cho nên …
Mũi tên thời gian nó đâu có quay ngược lại được.

Entropy không giảm mà. Ôi! thời gian 🙂

Creative Commons License


<
Previous Post
Bàn phím cơ
>
Next Post
Lướt web