Sau khi được nhà quí tộc Brahe để lại 1 khối lượng dữ liệu quan sát thiên văn hơn 30 năm, thì Kepler đã hoàn thành thuyết nhật tâm một cách có hệ thống bằng 3 định luật chuyển động thiên thể và những năm 1609 – 1619, lúc đấy ở Đại Việt ta bắt đầu thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh nên chắc chả ai có thời gian đâu mà quan tâm đến thiên với chả thể.
Tuy là tìm ra 3 định luật, nhưng Kepler cũng không hiểu “vì sao lại thế, tại vì sao lại thế, các thiên thể không chuyển động thế này mà lại là thế kia”. Người trong giang hồ phải chờ đến xuất hiện một quái kiệt mới “để tìm ra ngọn ngành”, người mà khiêm tốn nhận mình trông xa hơn vì được đứng trên vai những người khổng lồ, Newton đã đưa ra 3 định luật cơ bản, hình thành nên cơ học cổ điển hay còn gọi là cơ học Newton, cùng với định luật vạn vật hấp dẫn, đã giải thích thấu đáo tại sao qui luật chuyển động thiên thể. Cơ học Newton đã thống trị mọi lĩnh vực của Vật lý học cho đến đầu thế kỉ 19, khi mà mọi ngành nghiên cứu từ chuyển động của phân tử, đến những đối tượng to vật vã như thiên thể, hành tình đều được xây dựng theo các định luật cơ bản của Newton, mà đưa ra nhiều dự đoán đúng. Mô hình vật lý học trở nên thống nhất, rất đẹp đẽ. Nói đến ngành nghiên cứu về tập hợp các phân tử tuân theo chuyển động cơ học, hay còn gọi là nhiệt động lực học, cũng cho ra đời 3 định luật nhiệt động lực học, trong đó từ định luật số 2 định nghĩa ra một khái niệm mới là entropy, mà nó còn dùng để định nghĩa lượng thông tin trong lý thuyết thông tin.

Tưởng chừng như “con thuyền Vật lý học cấp bến bình yên” như huân tước Kelvin (nhiều tài liệu dẫn tuyên bố này của Kelvin, tuy nhiên thực tế hình như không có thông tin chính thống), thì “2 gợn mây nhỏ” đã nổi lên thành 2 cơn giông tố làm rung chuyển và thay đổi hẳn bộ mặt ngành Vật lý. Trong cơn giông lượng tử, ta lại bắt gặp 3 định luật quang điện

Con số 3 chưa dừng ở đó, ta lại tiếp tục gặp 3 định luật về di truyền Mendel khi học sinh học hình như tầm năm lớp 9.
Hôm nay vô tình biết đến tồn lại 3 định luật hơi bị hay của Arthur C.Clarke, người nổi tiếng về những dự đoán của ông trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng đã dần dần thành hiện thực. Nguyên văn của nó như sau:

  • When a distinguished but elderly scientist states that something is possible, he is almost certainly right. When he states that something is impossible, he is very probably wrong.
  • The only way of discovering the limits of the possible is to venture a little way past them into the impossible.
  • Any sufficiently advanced technology is indistinguishable from magic.

Tạm dịch nó như sau:

  • Khi một bậc lão thành cho rằng một chuyện gì đó là có thể xảy ra được thì ông ta hầu như chắc chắn đúng. Song khi vị này bảo rằng chuyện gì đó là không thể được, thì phần chắc là ông ta sai.
  • Cách duy nhất để xác định biên giới của cái có thể là mạo hiểm vượt qua lằn ranh đó để đi về hướng cái không thể.
  • Bất kỳ công nghệ tiên tiến nào đều không khác gì phép thần thông.

P/S: Áp dụng định luật Clarke ở trên, ta dễ dàng thấy được tuyên bố sau của Steve Wozniak là sai, thật là một định luật thú vị 🙂
http://genk.vn/dong-sang-lap-apple-tri-tue-nhan-tao-se-khong-bao-gio-du-thong-minh-de-dieu-khien-mot-chiec-o-to-20181001104135133.chn

Creative Commons License


<
Previous Post
Biên dịch Linux OS từ mã nguồn
>
Next Post
Cảm biến 3D – TOF