Ngụy khoa học
Khoảng cuối 2013, thằng ku em, giờ đang phD Vật lý ở Pháp, gọi lên viện Vật lý nghe seminar đủ mọi thứ từ Vật lý đến lịch vực nghệ thuật rồi nghe đâu có lúc ra cả Biển Đông… do thầy của nó, GS. Nguyễn Văn Liễn, tổ chức chủ yếu cho học sinh phổ thông, một việc làm rất đáng quí, không rõ đến giờ còn duy trì nữa không. Giai đoạn đó công việc đang bận nên mình chỉ ghé qua vài lần, nhớ nhất là chuỗi câu chuyện về Feynman, nhà vật lý đa tài người Mỹ, đạt giải Nobel vật lý 1965, tham gia dự án Manhattan (dự án làm bom nguyên tử của Mỹ), học phá khóa két sắt và giải mã kí tự của người Maya làm thú tiêu khiển. Tiện thể xin giới thiệu phương pháp đơn giản để học nhanh kiến thức mới của Feynman ở đây[2], mời các bạn áp dụng để khám phá chân trời kiến thức bao la bát ngát. Ấn tượng nhất để lại với mình là tính trung thực của Feynman, thể hiện rõ nhất là quá trình tham gia điều tra và đấu tranh với NASA để có báo cáo trung thực về nguyên nhân của vụ tai nạn tàu Challenger[4,5]. Ở đây trích dẫn 1 phần mà bản thân cũng thường hay mở ra xem lại nhất, nói về việc trung thực trong nghiên cứu khoa học, trong quyển “Feynman chuyện thật như đùa!“, do Nguyễn Văn Liễn và Nguyễn Huy Việt dịch từ “Surely you’re joking, mr.Feynman”. Bạn nào tò mò muốn đọc thêm thì có thể mua sách có hình như dưới.
… Một ví dụ: Milikan đo điện tích của electron bằng thí nghiệm các giọt dầu rơi và thu được kết quả, mà bây giờ ai cũng biết là không thực sự chính xác. Có một chút sai lệch do ông ấy đã dùng giá trị không chính xác của độ nhớt không khí. Thật thú vị khi nhìn vào lịch sử các phép đo điện tích electron được thực hiện sau Milikan. Nếu biểu thị các kết quả đó theo thời gian, bạn sẽ thấy một kết quả lớn hơn Milikan một chút, rồi một kết quả tiếp lại lớn hơn một chút, và cuối cùng chúng qui về một con số lớn hơn.
Vì sao họ lại không phát hiện ra ngay rằng, con số mới là số lớn hơn? Đây là câu chuyện, mà các nhà khoa học phải cảm thấy xấu hổ, bởi vì rõ ràng người ta đã hành xử như thế này. Khi họ thu được một kết quả quá cao so với kết quả của Milikan, họ nghĩ rằng chắc chắn có sai sót nào đó, họ tìm kiếm và rồi cũng tìm ra một nguyên nhân có thể dẫn đến sai sót. Còn, khi họ nhận được kết quả gần hơn với kết quả của Milikan, thì họ không xem xét cẩn thận. Rồi họ loại bỏ những sai lệch nhiều so với giá trị của Milikan, hay làm những việc tương tự như thế. Ngày nay, chúng ta đã biết những xảo thuật này, nên không còn mắc những bệnh như thế nữa. Tuy vậy, lịch sử lâu dài của việc học cách không tự lừa phỉnh mình – của việc có được trung thực khoa học tuyệt đối là, tôi xin lỗi phải nói, cái mà chúng ta chưa chú tâm đưa vào bất cứ môn học nào, mà tôi biết. Chúng tôi hi vọng là, bạn sẽ học được bằng cách ngấm dần. Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự lừa phỉnh chính mình – bạn chính là người dễ bị lừa nhất. Vì thế bạn phải rất thận trọng với điều đó. Sau khi bạn không còn bị lừa phỉnh nữa, bạn sẽ dễ dàng không lừa phỉnh các nhà khoa học khác. Sau đó, bạn chỉ cần trung thực theo cách thông thường.
Tham khảo
- [1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Richard_Feynman
- [2] http://genk.vn/nha-vat-ly-doat-giai-nobel-chia-se-phuong-phap-hoc-nhanh-moi-thu-tren-doi-chi-voi-3-buoc-20161204110349259.chn
- [3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Dự_án_Manhattan
- [4] http://www.feynman.com/science/the-challenger-disaster/
- [5] https://www.youtube.com/watch?v=6Rwcbsn19c0